Sáng cuối tuần, các ngân hàng tiếp tục hạ mạnh giá USD xuống dưới mức 22.500 đồng/USD. Giá mua vào chỉ còn 22.410-22.430 đồng/USD. Vietcombank và Eximbank giảm mạnh nhất với mức giảm 30 đồng/USD kể cả mua vào và bán ra. Như vậy, chỉ trong 3 ngày, tỷ giá đã giảm 60-70 đồng/USD và cách xa trần 22.547 đồng/USD đã duy trì trong 3 ngày trước đó. Trên thị trường tự do, giá USD tại Hà Nội ở mức 22.660 đồng (mua vào) và 22.720 đồng (bán ra). Như vậy, trong vòng 3 ngày trở lại đây, giá USD tự do hạ 230 đồng. Đầu tuần, có thời điểm giá USD tự do vượt ngưỡng 22.900 đồng.
Ngược lại với giá USD, sau khi giảm “khủng hoảng”, chứng khoán đã tăng “ngoạn mục”. Cùng với đó, giá vàng SJC cũng đã tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 70 đồng/lượng chiều bán ra, niêm yết sáng cuối tuần ở mức 34,05-34,55 triệu đồng/lượng - lấy lại mốc 34 triệu đồng bị chọc thủng trước đó. Tính chung cả tuần qua, giá vàng đã giảm 600.000 đồng/lượng khi giá vàng thế giới giảm mạnh nhất 1 tháng.
Trong báo cáo xu hướng tiêu thụ vàng của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) mới công bố cho thấy: lượng vàng tiêu thụ của Việt Nam đã giảm trong quí II. Cụ thể, tính trong 6 tháng đầu năm, lượng vàng tiêu thụ của Việt Nam vào khoảng 33,3 tấn, bằng gần 48% so với cả năm ngoái. Riêng trong quí II, Việt Nam tiêu thụ 14,5 tấn vàng, trong đó có 10,8 tấn là vàng miếng, còn lại là vàng nữ trang.
Như vậy, mức tiêu thụ đã giảm khoảng 23% so với quí I, trong đó tiêu thụ vàng miếng giảm đến 25%, vàng nữ trang giảm gần 16%. Điểm nổi bật là tiêu thụ nữ trang có giảm so với quí I, nhưng nếu so với cùng kỳ, lượng vàng nữ trang tiêu thụ vẫn tăng khoảng 22%. Và trong 6 tháng đầu năm nay, con số này đã bằng khoảng 63,5% so với cả năm 2014.
Theo lý giải của Hội đồng Vàng thế giới, chính giá vàng giảm đã kích hoạt sức mua nữ trang, vì chênh lệch của giá vàng trong nước so với thế giới chủ yếu là đối với vàng miếng, còn với vàng nữ trang mức chênh lệch không nhiều so với giá thế giới nên rủi ro không cao. Ngoài ra, theo WGC, không loại trừ khả năng nhà đầu tư chọn vàng nhẫn chỉ để nắm giữ thay vì vàng miếng nên lượng vàng nữ trang tiêu thụ tăng lên, trong khi tiêu thụ vàng miếng sụt giảm.
Vàng rủi ro, chứng khoán diễn biến khó lường, vậy, trong thời điểm này, đâu là nơi trú ẩn an toàn?
Câu hỏi này được cả giới đầu tư tài chính quốc tế quan tâm. Thường, giống như cái bình liên thông, rỗng bên này thì chảy bên kia, khi thị trường chứng khoán giảm, giới đầu tư sẽ tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn, đẩy giá kim loại tăng cao. Ngược lại, kim loại quý lại trượt giảm khi thị trường chứng khoán theo đuổi đà hồi phục. Tuy nhiên, sau những gì đã diễn ra trên thị trường tuần qua, các chuyên gia cho rằng quan điểm vàng luôn tăng khi chứng khoán giảm là sai. Vàng đã đi theo xu hướng của riêng mình - tăng giảm không phụ thuộc vào sự hoảng loạn của thị trường chứng khoán thế giới. Lúc này, giới phân tích đang hướng sự chú ý của mình tới đồng tiền chung châu Âu – Euro.
Trong khi đa số các đồng tiền khác đều mất giá, đồng Euro đã tăng tới 4,5% so với đồng USD trong vòng 2 tuần trở lại đây. Đồng tiền này tiếp tục tăng giá trong “Ngày thứ Hai đen tối” với mức tăng 1,8% lên mức 1,159 Euro/USD. Theo các nhà phân tích, mức tăng ấn tượng này có được là do mối lo ngại về các nền kinh tế châu Âu bắt đầu giảm đi. Có nhận định còn cho rằng, đồng Euro đang thể hiện phẩm chất của một tài sản “an toàn”.
Còn với thị trường Việt Nam, trong một báo cáo mới đây về tác động của điều chỉnh tỷ giá tới thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam, CBRE - một công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới, cho rằng giới đầu tư đã hướng sự quan tâm của mình tới thị trường BĐS. “BĐS vốn được xem là kênh đầu tư yêu thích của người Việt Nam so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, lãi suất tiết kiệm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động. Các dự đoán về việc tăng lãi suất điều hành của Mỹ đã làm tăng giá USD và làm giảm tính hấp dẫn của vàng, giá vàng đã giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm vào đầu tháng 8 vừa qua”, CBRE Việt Nam nhận định.
Theo CBRE, các nhà đầu tư trong nước có tiền đồng nhàn rỗi sẽ chuyển sang quan tâm tới BĐS nhiều hơn, đặc biệt là các cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời ngay từ việc cho thuê và các cơ hội đầu tư có khoản sinh lời cố định, để giúp họ bảo toàn tài sản trong bối cảnh đồng tiền có thể tiếp tục biến động. Đáng chú ý, dù cho rằng giá nhà tại Việt Nam hiện “ít chịu tác động của yếu tố tỷ giá”, nhưng các chuyên giá của CBRE lại nhận định các dự án BĐS trong tương lai phải nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ chịu áp lực tăng giá bán, do chi phí bằng tiền đồng sẽ cao hơn, nhất là khi chi phí tính bằng tiền USD.