HƯỚNG DẪN CHỨNG TỪ CHO CÁC HÌNH THỨC GIẢM GIÁ
Thứ sáu, 23/10/2015, 13:56 GMT+7 | Xem: 1.511
HƯỚNG DẪN CHỨNG TỪ CHO CÁC HÌNH THỨC GIẢM GIÁ
- Chiết khấu thanh toán,
- Chiết khấu thương mại,
- Giảm giá hàng bán,
Một khoản GIẢM TRỪ của người bán cho người mua hàng hóa/ dịch vụ sẽ được thực hiện như thế nào? Chứng từ cho mỗi hình thức giảm là gì?
Sau đây là hướng dẫn thực hiện
1. Đối với các khoản chiết khấu thanh toán:
Tại Chuẩn mực kế toán số 14 “Doanh thu và thu nhập khác” ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ Tài chính quy định thuật ngữ “Chiết khấu thanh toán” như sau:
“ Chiết khấu thanh toán: Là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng.”
Tại Khoản 15, Điều 7, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (đã được sửa đổi bổ sung tại các Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC và Thông tư số 96/2015/TT-BTC - sau đây gọi tắt là Thông tư 78) quy định về các khoản thu nhập khác như sau:
“15. Quà biếu, quà tặng bằng tiền, bằng hiện vật; thu nhập nhận được bằng tiền, bằng hiện vật từ các nguồn tài trợ; thu nhập nhận được từ các khoản hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán, thưởng khuyến mại và các khoản hỗ trợ khác. ...”
Căn cứ quy định trên, trường hợp Doanh nghiệp nhận khoản tiền chiết khấu thanh toán của nhà cung cấp giảm trừ cho Doanh nghiệp do Doanh nghiệp thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng thì Doanh nghiệp lập chứng từ thu và tính vào thu nhập khác để kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
2. Đối với các khoản chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán.
Tại Chuẩn mực kế toán số 14 “Doanh thu và thu nhập khác” ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ Tài chính quy định thuật ngữ “Chiết khấu thương mại” như sau:
“Chiết khấu thương mại: Là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.
Giảm giá hàng bán: Là khoản giảm trừ cho người mua do hàng hóa kém phẩm chất, sai quy cách hoặc lạc hậu thị hiếu.”
Tại Điểm 2.5, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TTBTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:
“2.5. Hàng hóa, dịch vụ áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.
Nếu việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.”
Tại Khoản 22, Điều 7, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định về giá tính thuế như sau:
“Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hoá, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hoá đã bán được tính điều chỉnh trên hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hoá đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hoá đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.”
Căn cứ các quy định trên, việc lập hóa đơn, kê khai, tính thuế đối với các khoản chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán của nhà cung cấp cho Doanh nghiệp được thực hiện như sau:
(i) Đối với khoản chiết khấu thương mại Doanh nghiệp được hưởng do mua hàng của nhà cung cấp đạt được doanh số hoặc số lượng nhất định theo hợp đồng kinh tế đã ký giữa 2 bên thì việc lập hóa đơn và xác định giá tính thuế GTGT được thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 22, Điều 7, Thông tư số 219/TT-BTC và Điểm 2.5, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC nêu trên, cụ thể như sau:
- Trường hợp Công ty mua hàng một lần đã đạt đến mức nhất định để được hưởng chiết khấu thương mại thì giá bán ghi trên hóa đơn là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, Doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế GTGT đầu vào tương ứng với số thuế ghi trên hóa đơn.
- Trường hợp Doanh nghiệp mua hàng nhiều lần mới đạt đến mức nhất định để được hưởng chiết khấu thương mại thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hoá đơn bán hàng hóa của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế GTGT đầu vào tương ứng với số thuế ghi trên hóa đơn.
- Trường hợp Doanh nghiệp mua hàng nhiều lần mới đạt đến mức nhất định để được hưởng chiết khấu thương mại, số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) giảm giá, chiết khấu hàng bán thì nhà cung cấp được lập hoá đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hoá đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, Doanh nghiệp kê khai điều chỉnh giá trị hàng hóa mua vào, thuế đầu vào.
(ii) Đối với hàng hóa, dịch vụ áp dụng hình thức giảm giá hàng bán (Là khoản giảm trừ cho người mua do hàng hóa kém phẩm chất, sai quy cách hoặc lạc hậu thị hiếu) thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã giảm dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT. Doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế GTGT đầu vào tương ứng với số thuế ghi trên hóa đơn.
Xem thêm: "kế toán thuế đà nẵng, học kế toán đà nẵng, đào tạo kế toán thuế tại đà nẵng, kế toán thực hành, lớp học kế toán đà nẵng, kế toán máy,trung tâm đào tạo kế toán đà nẵng, học kế toán khách sạn nhà hàng, dịch vụ báo cáo thuế, dịch vụ kế toán trọn gói, dịch vụ kế toán."