Tin tức | TIN MỚI
Đối tượng trong kế toán
Thứ năm, 03/09/2015, 15:58 GMT+7 | Xem: 1.510
Kế toán là công cụ không thể thiếu được trong công tác quản lý của bất kỳ đơn vị nào và việc thực hiện công tác kế toán có tốt hay không đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý. Để thực hiện công tác kế toán thì vấn đề đầu tiên, quan trọng là phải được xác định đúng đắn những nội dung mà kế toán cần phải phản ánh và giám đốc, hay nói cách khác, hai chức năng: phản ánh và giám đốc được thực hiện với cái gì? ở đâu? lúc nào? trong trạng thái nào? xác định những điều đó còn được gọi là xác định đối tượng kế toán.

Ta biết rằng bất cứ đơn vị nào, dù thuộc lĩnh vực sản xuất hoặc thuộc lĩnh vực phi sản xuất muốn duy trì hoạt động của mình thì nhất thiết phải có các loại tài sản nhất định, bao gồm nhiều loại khác nhau. Các loại tài sản đó thuộc quyền quản lý và sử dụng của đơn vị nhằm thực hiện những nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cũng như các nhiệm vụ khác theo những mục tiêu được xác định và được qui định.

Trong quá trình hoạt động của đơn vị, các loại tài sản thường xuyên biến động (tăng, giảm). Sự biến động này phát sinh không ngừng và tác động đến hầu hết các loại tài sản trong đơn vị. Như vậy rõ ràng các loại tài sản và sự biến động của nó là cơ sở của mọi hoạt động trong đơn vị. Cho nên để theo dõi, kiểm tra và đánh giá được tình hình và kết quả hoạt động, tình hình sử dụng vốn của một loại đơn vị nào đó thì cần phải nắm được tình hình tài sản và sự biến động của tài sản trong quá trình hoạt động của đơn vị. Công việc theo dõi này được thực hiện bởi công tác kế toán, có thể phát biểu đối tượng của kế toán như sau:

Khái niệm: Đối tượng kế toán là đối tượng mà kế toán cần phản ánh và giám đốc: Đó là sự hình thành, và sự biến động của tài sản đó trong quá trình hoạt động của đơn vị .

Tài sản và sự biến động của tài sản hoàn toàn có thể tính ra bằng tiền. Do vậy, để đơn giản và dễ hiểu, có thể nói rằng: Tất cả những gì thuộc quyền quản lý và sử dụng của đơn vị có thể biểu hiện dưới hình thức tiền tệ đều là đối tượng mà kế toán cần phải phản ánh và giám đốc.

Để làm sáng tỏ và cụ thể hoá đối tượng của kế toán ta có thể lấy hoạt động cụ thể của một doanh nghiệp sản xuất để minh họa. Trước hết, để tiến hành hoạt động thì doanh nghiệp cần phải có và đang có loại tài sản hữu hình và vô hình như sau:
•  Nhà cửa, máy móc, thiết bị, kho tàng, phương tiện vận tải
•  Các loại nguyên vật liệu (nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu…)
•  Công cụ, dụng cụ nhỏ.
•  Hàng hoá, thành phẩm.
•  Tiền mặt
•  Tiền gửi ngân hàng,
•  Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu)
•  Các khoản mà các đơn vị và cá nhân thiếu nợ doanh nghiệp: Phải thu của khách hàng, tạm ứng, phải thu khác…
•  Các khoản thuộc về lợi thế cửa hàng, bằng phát minh, sáng chế, nhãn hiệu thương mại…
Các loại tài sản trên thường xuyên vận động, thay đổi trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời số hiện có và sự vận động của từng loại tài sản đã nêu trên là nội dung cơ bản của công việc kế toán. Như vậy rút ra kết luận: Từng loại tài sản và sự vận động của nó trong quá trình sản xuất kinh doanh là đối tượng cụ thể mà kế toán phải phản ánh và giám đốc.

Các loại tài sản nói trên được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và được phân thành các loại chủ yếu là nguồn vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.

Nguồn vốn chủ sở hữu: Đây là nguồn vốn ban đầu, quan trọng do chủ sở hữu là doanh nghiệp bỏ ra để tạo nên các loại tài sản nhằm thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh; ngoài ra nguồn vốn chủ sở hữu còn được bổ sung thêm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Tuỳ theo hình thức sở hữu mà nguồn vốn chủ sở hữu có thể là do nhà nước cấp, do cổ đông hoặc xã viên góp cổ phần, do chủ doanh nghiệp tư nhân tự bỏ ra… Nguồn vốn chủ sở hữu có đặc điểm là nguồn vốn sử dụng dài hạn và không cam kết phải thanh toán. Nó có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì và phát triển hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn vốn chủ sở hữu được phân thành các khoản:
•  Nguồn vốn kinh doanh.
•  Lợi nhuận chưa phân phối.
•  Các loại quỹ chuyên dùng (quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính…)
Nợ phải trả: Đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng nhằm đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Nợ phải trả bao gồm các khoản nợ ngắn hạn và nợ dài hạn của ngân hàng, của các tổ chức kinh tế, của các cá nhân… Nợ phải trả có đặc điểm là nguồn vốn sử dụng có thời gian kèm theo nhiều ràng buộc như phải có thế chấp, phải trả lãi… Nợ phải trả cũng có vị trí và ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển hoạt động của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng các khoản nợ có hiệu quả để đảm bảo có khả nãng thanh toán và có tích luỹ để mở rộng và phát triển doanh nghiệp. Nợ phải trả bao gồm các khoản:
•  Vay ngắn hạn.
•  Vay dài hạn.
•  Phải trả cho người bán.
•  Phải trả công nhân viên.
•  Phải trả khác……..
Các nguồn vốn trên cũng vận động, thay đổi không ngừng trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ số hiện có và tình hình biến động của từng loại nguồn vốn như nêu trên cũng là nội dung cơ bản của công tác kế toán. Như vậy, rút ra kết luận: Từng nguồn vốn và sự vận động của nó trong quá trình sản xuất kinh doanh là đối tượng cụ thể mà kế toán phản ánh và giám đốc.

Trên cơ sở những tài sản đã có doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng nhiệm vụ được xác định. Hoạt động này bao gồm nhiều quá trình nối tiếp nhau theo cách liên tục: Quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối. Bên cạnh các quá trình này, trong doanh nghiệp còn có quá trình tiêu dùng ngoài sản xuất như chi về văn hoá, xã hội, phúc lợi tập thể… Do vậy, các quá trình này cũng là đối tượng mà kế toán cần phải phản ánh và giám đốc.

Việc phản ánh và giám đốc các loại tài sản, các nguồn vốn và sự biến động của chúng cũng như các quá trình hoạt động của doanh nghiệp vừa là nội dung cơ bản, vừa là yêu cầu khách quan của công tác kế toán. Thông qua việc phản ánh và giám đốc như vậy, kế toán sẽ cung cấp được cho lãnh đạo đơn vị cũng như cho các đối tượng khác có liên quan một cách thường xuyên và có hệ thống những số liệu cần thiết làm cơ sở để đánh giá tình hình và kết quả hoạt động và ra các quyết định phù hợp.

Tài sản và nguồn vốn có mối quan hệ mật thiết với nhau, biểu hiện ở chỗ bất kỳ một loại tài sản nào cũng được hình thành từ một hoặc một số nguồn nhất định hoặc ngược lại một nguồn nào đó có thể được biểu hiện thành một dạng hoặc nhiều dạng tài sản khác nhau. Hơn nữa nếu đứng trên giác độ phân loại đối tượng nghiên cứu, có thể thấy rằng tài sản và nguồn vốn là 2 cách phân loại khác nhau tình hình tài sản doanh nghiệp với mục đích biểu hiện tính hai mặt của tài sản: “Tài sản gồm những gì? Và tài sản do đâu mà có? “.
•  Nghiên cứu các loại tài sản với hai mặt biểu hiện: Mặt kết cấu tài sản và nguồn hình thành nên tài sản đó: Tài sản gồm những gì? Và tài sản do đâu mà có? “.
•  Nghiên cứu sự vận động của các loại tài sản.

A. Kết cấu của tài sản:

1.     “Tài sản gồm những gì?” Trả lời câu hỏi này sẽ cho biết quy mô về vốn. Vốn được biểu hiện dưới dạng tài sản. Doanh nghiệp có những loại tài sản nào?
•  TSLĐ: Là những tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp mà có thời gian sử dụng, thu hồi, luân chuyển ngắn (thường dưới 1 năm hoặc một chu kỳ kinh doanh).
•  TSCĐ: Là những tài sản có thời gian sử dụng, thu hồi, luân chuyển dài (trên 1 năm hoặc một chu kỳ kinh doanh).

B. Sự hình thành tài sản:

2.    “Tài sản do đâu mà có? “ Trả lời câu hỏi này sẽ cho biết toàn bộ tài sản của doanh nghiệp có nguồn gốc từ đâu, nguồn hình thành các tài sản được gọi là nguồn vốn.

Nợ phải trả: Là những khoản tiền doanh nghiệp đi vay, mượn hoặc chiếm dụng từ các tổ chức, cá nhân khác và phải có trách nhiệm hoàn trả. Nợ phải trả được chia làm 2 loại: Nợ ngắn hạn và Nợ dài hạn.

Nguồn vốn chủ sở hữu: Là số vốn của các chủ sở hữu, các nhà đầu tư đóng góp mà doanh nghiệp không phải cam kết thanh toán. Nguồn vốn chủ sở hữu có thể do chủ sở hữu hoặc các nhà đầu tư trực tiếp đóng góp hoặc hình thành từ lợi nhuận để lại doanh nghiệp.
Tài sản của doanh nghiệp có nhiều loại khác nhau nhưng chúng phải có nguồn gốc xác định. Một tài sản có thể được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và ngược lại một nguồn có thể hình thành nên một hay nhiều loại tài sản khác nhau.

Vậy, giá trị của tài sản và nguồn hình thành tài sản là hai mặt của một tài sản. Mỗi tài sản khi xem xét đều phải biết được giá trị và nguồn hình thành nên tài sản đó. Xuất phát từ mối quan hệ như nêu trên nên về mặt lượng luôn luôn tồn tại mối quan hệ cân đối sau:
 
Tổng tài sản = Nợ phải trả + Nguồn vốn chủ sở hữu

Trong Doanh nghiệp, tổng giá trị tất cả các loại tài sản luôn bằng tổng giá trị nguồn hình thành nên tài sản đó.
Phương trình kế toán cơ bản: Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn.

Tóm lại: Tài sản được hình thành từ nguồn vốn nhất định. Nguồn vốn được thể hiện bằng tài sản nhất định. Tài sản là hình thức, bên ngoài. Nguồn vốn là nội dung bên trong.

Sự tuần hoàn của vốn trong kinh doanh:

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài sản của đơn vị không ngừng vận động và biến đổi về mặt hình thái lẫn giá trị. Sự biến đổi này phụ thuộc vào chức năng cơ bản của từng đơn vị kinh doanh.
•  Doanh nghiệp sản xuất: Chức năng cơ bản là sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tài sản của doanh nghiệp vận động qua 3 giai đoạn: cung cấp (dự trữ), sản xuất, tiêu thụ. Tương ứng với ba giai đoạn trên tài sản thay đổi từ dạng tiền thành nguyên liệu, vật tư đầu vào sản xuất tạo ra thành phẩm và từ thành phẩm biến đổi thành khoản phải thu hay tiền khi bán sản phẩm: ‘Tiền - Hàng ……Hàng - Tiền'.
•  Doanh nghiệp thương mại: Chức năng cơ bản là tiêu thụ sản phẩm. Tài sản của doanh nghiệp vận động qua 2 giai đoạn: cung cấp (mua sắm), tiêu thụ. Tương ứng với hai giai đoạn trên tài sản thay đổi từ dạng tiền thành hàng hoá và từ hàng hoá biến đổi thành khoản phải thu hay tiền khi bán sản phẩm: ‘Tiền - Hàng - Tiền'
 
Trong quá trình tuần hoàn tài sản không chỉ biến đổi về hình thái vật chất mà còn biến đổi về mặt giá trị. Giá trị tăng lên của tài sản từ kết quả kinh doanh là mục tiêu của các doanh nghiệp. Những thông tin sự biến đổi về lượng giá trị rất cần thiết cho việc tìm phương hướng và biện pháp thường xuyên nâng cao hiệu quả của quá trình tái sản xuất, quá trình vận động và lớn lên của tài sản.
Tóm lại: Đối tượng kế toán là tổng tài sản của đơn vị xét trên hai mặt: Nguồn hình thành và quá trình vận động (tuần hoàn) của tài sản trong các giai đoạn sản xuất kinh doanh chủ yếu.
Sưu tầm!
 
CÁC TIN KHÁC

© 2015 CÔNG TY TNHH ĐẠI LÝ THUẾ VÀ KẾ TOÁN NGÂN VIỆT

Cơ sở 1: 18 Trung Nghĩa 7, Thành phố Đà Nẵng

Chi nhánh : Chi nhánh: 476/1 Phan Châu Trinh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam

Điện thoại : 0236.3.679.466- Di động(Zalo) : 0905.146.548 hoặc 0967.931.501

Email         : nganvietdt@gmail.com

 

+ Lượt truy cập : 1.465.080

+ Đang online : 8

+ Hôm nay : 546

+ Hôm qua : 651

[X]